Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid- 19, các chuyên đề được tổ chức trực tuyến, 100% cán bộ, giáo viên nhà trường tham dự. Trong buổi sáng ngày 14/8/2021, cô giáo Lê Thị Chưa - tổ trưởng tổ 4,5 đã báo cáo phương án điều chỉnh chương trình của 3 môn học Toán, Đạo Đức, Khoa học theo công văn 405/BGDĐT-GDTH về điều chỉnh kế hoạch dạy học lớp 5. Phần trình bày đã làm rõ lượng kiến thức, kĩ năng cần trang bị và năng lực, phẩm chất cần hình thành và phát triển thêm cho HS để giúp các em tiếp cận tốt với chương trình lớp 6 mới. Sau đó, hội nghị được dự hai tiết dạy minh họa môn Toán và môn Đạo đức do hai cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phương và Lưu Thị Huyền Trang thực hiện.
Buổi chiều, các thầy cô nhà trường được dự tiết dạy minh họa môn Khoa học lớp 5. Trong tiết học này, GV đã bổ sung thêm kiến thức về vi khuẩn theo yêu cầu của chương trình điều chỉnh. Học sinh nắm được kiến thức cơ bản nhất về vi khuẩn và được hướng dẫn cách vệ sinh để phòng tránh vi khuẩn gây hại.
Cô giáo Chu Thị Hồng Thắm thực hiện tiết dạy minh họa môn Khoa học lớp 5.
Cũng trong buổi chiều 14/8, giáo viên khối 4 triển khai nội dung lý thuyết của chuyên đề: vận dụng hiệu quả các kỹ thuật dạy học tích cực và chuyên đề ứng dụng mô hình "Lớp học đảo ngược" trong dạy học. Với tinh thần không ngại khó, các cô giáo đã tập trung khai thác các kĩ thuật dạy họctích cực, có tính ứng dụng cao trong dạy học online.
Sơ đồ tư duy hay còn gọi là Lược đồ tư duy, Bản đồ tư duy là phương pháp dạy học chú trọng đến cơ chế ghi nhớ, dạy cách học, cách tự học nhằm tìm tòi, đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức,...bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực. Có thể khẳng định rằng đây là một trong những kĩ thuật dạy học rất vừa rất mới, rất hiện đại, lại rất khả thi.
Việc vận dụng sơ đồ tư duy trong dạy học sẽ dần hình thành cho HS tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác như vấn đáp gợi mở, thuyết trình,… có tính khả thi cao góp phần đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là đối với các lớp ở cấp tiểu học.
Một phương pháp dạy học mới, có tính ứng dụng cao trong dạy học đó là phương pháp "Lớp học đảo ngược".
Theo mô hình lớp học đảo ngược, học sinh xem các bài giảng ở nhà qua mạng, hoặc băng đĩa... Giờ học ở lớp sẽ dành cho các hoạt động hợp tác giúp củng cố thêm các khái niệm đã tìm hiểu.
Học sinh sẽ chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu bài học hơn, các em có thể tiếp cận bài học bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần (điều này là không thể nếu nghe giáo viên giảng dạy trên lớp). Điều này giúp việc học tập hiệu quả hơn, giúp người học tự tin hơn.
Lớp học đảo ngược khiến việc giảng dạy phải lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị.
"Lớp học đảo ngược" được vận dụng nhiều trong tổ chức các hoạt động dạy học cho HS lớp 1 mới. Thấy được nhưng ưu điểm của phương pháp này, nhất là trong dạy học online, năm học 2021-2022, các tổ chuyên môn trường TH Liên Nghĩa sẽ ứng dụng rộng rãi phương pháp này ở tất cả các khối lớp.
Kỹ thuật tia chớp là một kỹ thuật huy động sự tham gia của các thành viên đối với một câu hỏi nào đó, hoặc nhằm thu thông tin phản hồi nhằm cải thiện tình trạng giao tiếp và không khí học tập trong lớp học, thông qua việc các thành viên lần lượt nêu ngắn gọn và nhanh chóng (nhanh như chớp!) ý kiến của mình về câu hỏi hoặc tình trạng vấn đề.
Bằng việc chỉ ra ưu điểm, hạn chế của từng kĩ thuật/phương pháp, các chuyên đề đã giúp giáo viên có đinh hướng lựa chọn kĩ thật/phương pháp phù hợp khi thiết kế các hoạt động dạy học cho HS.
Sau mỗi nội dung, các thầy cô trong nhà trường cùng nhau rút kinh nghiệm thống nhất về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học hoặc trao đổi, phản biện về lý thuyết, với mong muốn có sự chuẩn bị tốt nhất trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ năm học 2021-2022.
HD